Hỗ trợ trực tuyến
  • 0906.898.110
Thống kê
  • Đang Online: 1
  • Hôm nay: 16
  • Tổng truy cập: 86011
Thông tin thị trường
XUẤT KHẨU XI MĂNG: KHÔNG CÒN LÀ GIẢI PHÁP TÌNH THẾ

Xuất khẩu (XK) xi măng Việt Nam hiện đứng thứ 5 trong số các nước sản xuất nhiều xi măng nhất thế giới. Chính vì vậy, cần phải có một chiến lược dài hạn để đưa xi măng thành sản phẩm XK có quy mô lớn, giá trị cao, đóng góp vào kim ngạch XK chung của cả nước.

Doanh nghiệp thiếu liên kết

Tại hội thảo "Xuất khẩu xi măng hướng tới tăng trưởng bền vững" do Bộ Công Thương và Bộ Xây dựng tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhận định, với 912,44 triệu USD giá trị XK, nguồn ngoại tệ từ XK xi măng đã góp phần làm tăng kim ngạch XK chung của cả nước, đồng thời giúp bình ổn cán cân thương mại. Giá trị XK xi măng năm 2014 đạt cao hơn so với khoảng 2 năm trở lại đây, với giá xuất xi măng bình quân hiện ở mức 43,155 USD/tấn sản phẩm, tăng khoảng 2 USD/tấn/sản phẩm. Điều này cho thấy, giá XK xi măng của Việt Nam đang dần cân bằng và tương đương với mặt bằng chung của các nước XK xi măng trong khu vực.

Mặc dù tăng trưởng XK tốt, nhưng theo Thứ trưởng Trần Tuấn Anh, các doanh nghiệp (DN) XK xi măng còn thiếu liên kết, phân tán nhỏ lẻ, dẫn tới việc khai thác tận gốc thị trường XK chưa đạt được mà phải bán hàng qua khâu trung gian.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Lê Văn Tới - Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho rằng, ngay cả trong quản lý nhà nước nhiều lúc cũng chỉ xem việc XK chỉ là giải pháp tình thế, cho nên ngành xi măng phát triển thiếu bền vững cũng như không có hiệu quả lâu dài.

Thừa nhận điều này, ông Lương Thanh Tùng - Phó Tổng giám đốc Công ty CP Xi măng Hạ Long cho biết, nguyên nhân chủ yếu là do liên kết kém dẫn tới giá XK xi măng bị thương lái trung gian ép xuống rất thấp… Thậm chí, họ còn dùng “chiêu” chia rẽ thị trường khiến DN XK xi măng bị giảm lợi thế cạnh tranh.

“Thực tế, khi thị trường khu vực lên 1 USD/tấn, DN XK Việt Nam chỉ lên giá 0,5 USD/tấn. Nhưng khi thị trường giảm 2 USD/tấn, các DN XK Việt giảm tới 4 USD/tấn. Như vậy sẽ rất thiệt thòi cho các DN XK trong nước, đặc biệt với các DN nhỏ” - ông Nguyễn Anh Quân - Trưởng phòng Quản lý thị trường và chính sách bán hàng - Tổng công ty CP Xi măng Việt Nam (Vicem) chia sẻ.

Cần chiến lược dài hạn cho XK xi măng

Để XK xi măng hướng tới tăng trưởng bền vững, theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), về chính sách cần đảm bảo hài hòa giữa tiêu thụ nội địa và XK, đặc biệt là phải liên kết chặt chẽ giữa sản xuất và XK để tránh bị ép giá cũng như tìm đối tác có thể ký được hợp đồng dài hạn nhằm hạn chế rủi ro khi XK.

Hiện nay, xi măng là một trong những ngành mang lại giá trị gia tăng cao, từ giá thành tài nguyên là đá vôi đến giá thành xi măng XK chênh hàng chục lần. Tuy nhiên, đến nay sau 4 năm đây vẫn là ngành XK mang tính tự phát, giải quyết tình thế. Nhưng từ nay trở đi, chúng ta đang chuẩn bị cho kế hoạch 5 năm tới, rất cần xác định chiến lược cụ thể cho XK xi măng, bên cạnh tiêu thụ trong nước.

Nhằm tập trung cho chiến lược XK, ông Lê Văn Tới cho rằng “XK xi măng mang đến nhiều hiệu quả tích cực, do đó cần duy trì ở mức độ XK hợp lý. Trong điều kiện bình thường, nên bố trí XK từ 10-15% sản lượng xi măng tiêu thụ. Trong giai đoạn suy thoái có thể XK trên 20% sản lượng để điều tiết mà không lo ảnh hưởng đến nguồn nguyên liệu trước mắt và lâu dài”.

Kết luận hội thảo, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, để XK xi măng trở thành một trong những lĩnh vực XK chủ lực và có tính bền vững, các cơ quan quản lý nhà nước trong đó có Bộ Công Thương và Bộ Xây dựng, Hiệp hội DN Xi măng Việt Nam cần phối hợp chặt chẽ nhằm xác định chiến lược phát triển XK dài hạn và bài bản, tiến tới hợp tác tạo sự đồng thuận giữa các nhà sản xuất, đơn vị XK để tăng cường chất lượng sản phẩm, mở cửa thị trường, thúc đẩy XK mạnh mẽ trong thời gian tới.

Thứ trưởng Trần Tuấn Anh đã giao cho Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), kết hợp với Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) tính toán lại cung cầu, đánh giá năng lực tham gia thị trường xi măng thế giới để có những khai thác, tiêu thụ phù hợp cùng các biện pháp đi kèm như môi trường, sản xuất, XK xi măng cũng như vận tải biển, logistics….